Văn hóa đọc: Hướng đi lâu dài đưa doanh nghiệp đi xa hơn  

Thực trạng đọc ít của người Việt Nam từ lâu đã được giới chuyên môn lên tiếng và đã có nhiều giải pháp, sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, hội, nhà xuất bản được đưa ra. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm về thực trạng, nguyên nhân, mối liên hệ của việc không xây dựng văn hóa đọc với hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị ngắn hạn và dài hạn để các bên liên quan có thể áp dụng, thay đổi, đưa văn hóa đọc trở thành một văn hóa tốt đẹp và tự nhiên trong doanh nghiệp.

Thực trạng văn hóa đọc và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Văn hóa đọc Việt Nam với các nước trong khu vực
Có một sự thật là Việt Nam thuộc top những nước đọc ít sách nhất trên thế giới. Hằng năm, trung bình một người Việt đọc 4 cuốn sách (bao gồm cả sách giáo khoa). Sau gần 7 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 284 năm 2014 lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, cho dù số sách xuất bản hằng năm đều tăng cao, nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình mỗi năm vẫn chỉ gói gọn trong xấp xỉ một cuốn (nếu không tính sách giáo khoa). Điều này cho thấy văn hóa đọc của người Việt đang còn quá thấp. Với sự bùng nổ của mạng Internet cùng các trang mạng xã hội, người Việt càng có nhiều lý do để không đọc sách.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đọc sách mỗi năm rất thấp, trong khi đó khối Đông Nam Á có ba nước là Singapore, Malaysia và Indonesia lại có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Tại ba quốc gia nói trên, tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa và được đầu tư rất công phu. Riêng tại Malaysia – đất nước rất gần với Việt Nam, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt: Có cải thiện nhưng chậm và chưa đồng đều
Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho biết, qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc.

Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay, Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới…

Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ trong giai đoạn tới, đa phần trong số đó là nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao; nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém; trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế.

Sự thiếu hụt năng lực cạnh tranh một phần do khung pháp lý, chính sách chung, nhưng phần lớn do người lao động, chủ doanh nghiệp, những người trực tiếp tham gia chưa tự nâng cao năng lực của mình để phù hợp với thời đại và sự phát triển của thế giới.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt văn hóa đọc doanh nghiệp hay những rào cản định kiến
Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều định kiến khiến sách chưa đến được với nhiều doanh nghiệp. Thứ nhất, định kiến sách đa phần là tiểu thuyết, truyện, không có giá trị thực tế. Đây là hiểu nhầm hết sức nghiêm trọng. Mỗi một cuốn sách viết ra (và nhất là đã trường tồn được với thời gian như các tác phẩm kinh điển), đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc của tác giả, hơi thở của cả một thời đại. Không nên rạch ròi các đối tượng sách chuyên khảo, tham khảo, tiểu thuyết, truyện dài, thơ… bởi không có bất cứ một luật lệ nào quy định độ tuổi đọc sách.

Các tác phẩm đều có giá trị riêng, ngay cả những tỷ phú hay tổng thống, nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đọc sách và đọc nhiều sách văn học. Tỷ phú Bill Gates thích Bắt Trẻ Đồng Xanh, Gatsby Vĩ Đại… Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama thích The Vanishing Half… Các nhân vật này đọc đa dạng thể loại, từ hư cấu (fiction) đến phi hư cấu (non-fiction). Sách phi hư cấu còn đem đến người đọc nhiều góc nhìn của nhiều chủ đề thiết thực hơn, ví dụ kinh tế, công nghệ, marketing, kỹ năng, sức khỏe… có thể áp dụng vào công việc và đời sống.

Thứ hai, định kiến doanh nghiệp, người lao động đã quá bận rộn để có thể đọc thêm sách. Họ cho rằng kinh nghiệm thực tiễn mới là quan trọng. Đúng là kinh nghiệm qua trải nghiệm thực tế là người thầy nhanh nhất, đáng nhớ nhất cho bất cứ ai. Tuy nhiên, để có thể tiếp thu hiệu quả “bài giảng” đó, chúng ta mỗi người nên tự chuẩn bị cho mình một nền tảng.

Đó có thể là nền tảng ngôn ngữ, kỹ năng làm việc, tư duy phản biện… mà chúng ta thu nhận được qua sách. Có nền tảng rồi mới hiểu và tránh được những sai lầm không đáng có, phí thời gian, năng lượng, tiền bạc đồng thời tiếp thu nhanh chóng thực tiễn. Bên cạnh đó, việc cho rằng “không có thời gian để đọc sách” thật sự chỉ là cớ. Nếu mỗi ngày chúng ta dành 30 phút mỗi ngày để đọc, chắc chắn lâu dài sẽ tạo thói quen và đem lòng say mê đọc sách.

Nâng cao văn hóa đọc – con đường đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bản thân từng cá nhân đều nên nhận thức sự cần thiết của việc tự học, tự tìm hiểu này. Theo đó, mỗi người nên trau dồi kỹ năng đọc, học và thực hành. Dưới đây là một vài kiến nghị để đưa sách tới gần doanh nghiệp hơn:

Thứ nhất, truyền thông sách tốt hơn tới doanh nghiệp. Có thể tổ chức các buổi giao lưu, hội thảo, trò chuyện về một chủ đề ví dụ quản trị nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI)… trong doanh nghiệp và giới thiệu các cuốn sách liên quan, kèm trò chuyện, thảo luận. Như vậy, doanh nghiệp sẽ thấy được nhiều cuốn sách, nhiều quan điểm hơn và không bị bó buộc tư duy “sách là truyện” thông thường nữa. Muốn làm được như vậy cần có một cầu nối doanh nghiệp với nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, ví dụ các hiệp hội doanh nhân, xuất bản… Ngoài ra, các đơn vị xuất bản, phát hành có thể chủ động tham gia phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các buổi trò chuyện hoặc tặng sách…

Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp nên tự nhận thức tầm quan trọng của sách. Có thể xây dựng một tủ sách tại doanh nghiệp, ngày đọc sách hoặc câu lạc bộ sách, cuộc thi hùng biện, sáng chế… miễn sao tạo hứng thú tìm hiểu cho cá nhân. Có sự tò mò, người ta mới đi tìm sách để đọc. Đây là việc nên làm tạo lợi ích về lâu dài.

Thứ ba, cùng với xu hướng của ngành xuất bản trên thế giới và tính tiện lợi, các đơn vị xuất bản trong nước nên tính đến phương án làm sách điện tử, sách nói (audio) phù hợp với nhịp sống nhanh và tiện lợi cho người dùng. Việc cầm cuốn sách trên tay nhiều khi sẽ không thật thuận tiện nếu người đọc muốn tích hợp như vừa chạy bộ vừa nghe audio. Hoặc cuốn sách đó quá dài và dày để mang đi mọi nơi, lúc này sự cải tiến công nghệ, định dạng tiện lợi cho người đọc sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm đọc của họ.

Nguồn: doanhnhansaigon

Cập nhật: 21/01/2022
Lượt xem: 47 views
Lên trên
151018_095056baner_web_ptp-06