Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt, chúc mừng đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Việt Linh.
Chiến sĩ văn hóa, doanh nhân góp phần hiện đại hóa đất nước
Ông Vương Đình Huệ bày tỏ niềm vui khi gặp mặt 86 đại biểu người làm xuất bản tiêu biểu – đại diện cho 57 nhà xuất bản và hàng nghìn cơ sở in, cơ sở phát hành trên cả nước về Thủ đô Hà Nội để dự Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng và ghi nhận công lao của những người công tác trong lĩnh vực xuất bản.
Chủ tịch Quốc hội nhận định những người làm công tác xuất bản là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, xuất bản phẩm là những sản phẩm “rất đặc biệt”.
Ngành Xuất bản, In và Phát hành có đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, theo ông Vương Đình Huệ, những người làm công tác xuất bản còn “làm nhiệm vụ kinh doanh, còn có ‘vai’ doanh nghiệp, doanh nhân – lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức thư gửi ngành xuất bản, khẳng định người làm sách phải hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng với nhiệm vụ kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Ông Vương Đình Huệ trao quà cho đại biểu người làm xuất bản tiêu biểu. Ảnh: Việt Linh.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng ngành xuất bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ đầu ngành phải đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tích cực chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”. Ông Vương Đình Huệ cho rằng đây là các nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề.
“Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tôi mong muốn những người làm công tác xuất bản cả nước quan tâm, nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động xuất bản, thúc đẩy văn hóa đọc, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa; xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Để hiện thực hóa mong muốn đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên các nền tảng công nghệ; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ Kỷ niệm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – gửi lời cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vì đã dành thời gian gặp mặt và tôn vinh đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu.
“Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và cụ thể hóa các chỉ đạo đó thành các giải pháp cụ thể để đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định tốt vai trò là vũ khí sắc bén trong lĩnh vực tư tưởng Đảng, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Nguồn: baomoi