Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu điện  
Ngày 15-8-1945, Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.

Cách đây 77 năm, tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, Đảng ta đã quyết định thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”. Đây chính là tiền thân của ngành Bưu điện Việt Nam. Từ đó, ngày 15-8 được lấy làm Ngày truyền thống của ngành Bưu điện. Dù đã nhiều lần đổi tên, thay đổi cơ cấu tổ chức nhưng về cơ bản ngành Bưu điện vẫn thống nhất về chức năng nhiệm vụ là đảm bảo thông tin, liên lạc, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, phục vụ nhu cầu bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của nhân dân. Ngành Bưu điện từ khi ra đời đã luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

– Từ cuối thế kỷ 19 đến trước tháng 8/1945, hệ thống thông tin liên lạc do  người Pháp quản lý. Hai chữ Bưu điện cũng xuất hiện từ thời kỳ này, khi có những người phu chạy bộ đưa thư (bưu chính), và những nhà dây thép đầu tiên (điện tín) ra đời.
– Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Đông dương ra đời. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cách mạng còn nghèo nàn và phải hoạt động trong bí mật.
– Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) đã ra Nghị quyết “Lập Ban giao thông chuyên môn”. (Tiền thân của Ngành Bưu điện ngày nay).
– Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông Công chính ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện: ở Trung ương có Nha Tổng giám đốc, 3 miền có 3 Nha Bưu điện: Nha Bưu điện  Bắc Bộ; Nha Bưu điện Trung Bộ và  Nha Bưu điện miền Nam.
– Ngày 12/6/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 31/SL đổi tên Nha Bưu điện Việt Nam thành Nha Bưu điện – Vô tuyến điện.
– Ngày 08/3/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 480-TTg đổi tên Nha Bưu điện – Vô tuyến điện  thành Tổng cục Bưu điện.
– Ngày 09/02/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định giao cho Tổng cục Bưu điện nhiệm vụ quản lý phát triển mạng lưới truyền thanh và đổi tên Tổng cục Bưu điện thành Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.
– Ngày 24/01/1968, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định đổi tên Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.
– Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 224/NQ-HĐNN giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đảm nhận chức năng quản lý nhà nước đối với ngành Bưu điện.
– Ngày 07/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
– Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện trong cả nước.
– Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 294/TTg thành lập Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
– Năm 2001, thực hiện chia tách Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn huyện.
– Tháng 11/2002, Bộ Bưu chính Viễn thông được thành lập; là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước.
– Ngày 09/01/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
– Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa- Thông tin.
– Năm 2008, Bưu chính, Viễn thông chính thức chia tách trên phạm vi toàn quốc. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được thành lập, là đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn VNPT.
– Năm 2013, quyền đại diện chủ sở hữu tại Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông và đổi tên là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Cập nhật: 15/08/2022
Lượt xem: 60 views
Lên trên
151018_095056baner_web_ptp-06