Ngày quốc tế xóa nghèo 17/10: Mơ ước về tương lai tốt đẹp hơn  
Giảm nghèo là thành tựu nhưng cũng là trăn trở của Việt Nam- một quốc gia chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh giữ nước.
Thành tựu ấy được ghi nhận qua những “con số biết nói”, các mô hình hay, những gương thoát nghèo tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều sau hơn ba thập niên đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020. Nhưng trăn trở, mơ ước về một cuộc sống ấm no, sung túc hơn cũng đang hiện rõ tại những vùng “lõi nghèo” trên cả nước…

Niềm tin ở vùng lõi nghèo

Chị Lò Thị Quyết (dân tộc Thái), tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé chia sẻ về cuộc sống mới tại ngôi nhà mới nhận từ dự án làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Bản tái định cư Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên mùa mưa lũ năm 2020. Bốn phía quanh bản là núi non điệp trùng. Đường duy nhất giúp khu vực có 41 hộ người dân tộc H’Mông sinh sống thoát khỏi thế cô lập bởi dòng suối dâng cao mùa lũ, ra Quốc lộ 4H là chiếc cầu tự chế làm bằng sợi dây cáp cùng đường ống nước.
Dưới hiên của căn nhà gỗ tuyềnh toàng, Vàng A Mai, 44 tuổi, ngồi đóng những chiếc bàn, ghế đơn giản. Chiếc máy cắt có lưỡi sắc bén nằm lăn lóc cạnh mấy xúc gỗ keo. Gia đình anh vốn là hộ nghèo, di cư tự do từ Sơn La đến Mường Nhé rồi “cắm dùi” ở Nậm Là 2 vào năm 2017. Nhưng có đất để làm nhà, có đất để sản xuất, được hướng dẫn trồng cây keo để làm sinh kế và đóng bàn, ghế để bán nhằm thêm thu nhập thì cuộc sống của họ vẫn chật vật.
“Bản cách Quốc lộ 4H hơn hai trăm mét mà chưa có cầu nên muốn buôn bán, đi lại cũng không được. Trồng cấy lại toàn trên đất dốc, bạc mầu, chất đất xấu nên năng suất, chất lượng kém. Còn bàn ghế tôi đóng chưa được đẹp nên bán cũng ít lắm. Làm cả tháng cũng chỉ được 1 triệu đồng. Khó khăn như vậy nhưng vẫn phải cố gắng thôi!”, Vàng A Mai nói.
Cũng chung suy nghĩ như vậy là chị Lò Thị Quyết, 34 tuổi, ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Nhắc đến ước mơ thoát nghèo, người phụ nữ dân tộc Thái này cho hay, lâu nay chị và những hộ trong xã Mường Nhé vẫn tự hỏi nuôi con gì, trồng cây gì, làm cách nào để xóa nghèo đói. Nhưng phát triển kinh tế hộ gia đình là bài toán khó giải ở xã nghèo heo hút nơi biên giới. Lý do là thiếu nguồn vốn, địa hình đồi núi xa xôi, giao thông cách trở và lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi; canh tác lại lạc hậu, phụ thuộc và chịu nhiều rủi ro bởi thiên nhiên…
“Nhà tôi có ít lúa, ngô trên rẫy và đàn gà cùng vài con lợn trong chuồng. Nếu chăm sóc tốt, vật nuôi lớn nhanh đem xuất chuồng thì bình quân được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Không may mà vật nuôi lây bệnh bị chết hay buộc phải tiêu hủy là thua lỗ. Như đợt dịch tả châu Phi vừa qua, gia đình tôi mất trắng đàn lợn 4 con. Nhưng vẫn phải cố gắng làm hết khả năng chứ…”, chị Lò Thị Quyết chia sẻ.
Anh Vàng A Mai và chị Lò Thị Quyết chỉ là hai hộ nghèo ở Mường Nhé – một trong 64 huyện nghèo “đội sổ” cả nước khi đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây là 62,34%. Nhưng khi nhắc đến tương lai, điểm chung của hai người này có lẽ cũng như 4,5 vạn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên mảnh đất biên giới, họ luôn đặt niềm tin, ước mong vào sự tốt đẹp phía trước, dù cơ cực vẫn không ngừng nỗ lực vượt khó, tìm sinh kế bền vững để thoát nghèo.

Những nỗ lực không mệt mỏi

Thăm hỏi chị Lò Thị Quyết, tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé – hộ gia đình vừa được nhận nhà mới theo dự án làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN
Theo Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, từ khi huyện Mường Nhé được thành lập vào năm 2002 đến nay, địa phương này đã được thụ hưởng rất nhiều những chính sách, chương trình, dự án của Chính phủ dành cho địa bàn dân tộc, miền núi. Và từ các nguồn lực được hỗ trợ, địa phương này đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện lưới đã được tu sửa và đầu tư đưa vào sử dụng, phục vụ thiết yếu cho việc xóa đói, giảm nghèo của người dân.
Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác xóa nghèo, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Vùi Văn Nguyện cho hay: Để đời sống người dân được nâng lên, những năm qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhất là về việc làm, thu nhập, hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng nghèo yếu thế trong xã hội. Như 10 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động; đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, bản, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình bằng các nguồn vốn được cân đối, bố trí thực hiện trên địa bàn.
Nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định tích cực thử nghiệm, ứng dụng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng từng khu vực. Đồng thời, hình thành, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nông – lâm nghiệp vào đầu tư để thúc đẩy phát triển cây công nghiệp; tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng – ông Vùi Văn Nguyện nói.

Hài hòa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững

Cuộc sống rất khó khăn của gia đình anh Vàng A Mai tại bản tái định cư Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vietnam+
Niềm tin và quyết tâm thoát khỏi tình trạng “đội sổ” của vùng lõi nghèo Mường Nhé cũng là những trăn trở, suy tư của Đảng, Nhà nước. Bởi lẽ, huyện biên giới này là một trong 64 huyện nghèo đặc biệt khó khăn, chưa tiến kịp cả nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội.
Sau hơn ba thập kỷ đất nước đổi mới, những thành quả tốt đẹp từ hàng loạt các chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền ngược với miền xuôi. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,75% vào năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở Việt Nam thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh những thành tựu đó nổi bật đó, đánh giá về công tác xoá đói giảm nghèo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cũng cho thấy: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo trong bốn năm 2016 – 2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chênh lệch giàu – nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…
Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của Mường Nhé cũng như các “vùng lõi nghèo” trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững, trong đó đề xuất khung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình này đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Chương trình phấn đấu từng bước xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Đáng chú ý, một trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình là chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm.
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Cập nhật: 09/03/2022
Lượt xem: 50 views
Lên trên
151018_095056baner_web_ptp-06